Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam

Title: Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam
Authors: Trần, Hữu Nam
Keywords: Hình phạt tử hình
Luật hình sự
Pháp luật
Việt Nam
Issue Date: 2003
Publisher: Đại học Quốc gia Hà nội
Citation: 114 tr.
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/11943
Appears in Collections:Luận văn - Luận án (LIC)
1. Nhận thức chung về hình phạt tử hình 
Tử hình là một loại hình phạt truyền thống, có từ lâu đời. Thuật ngữ hình phạt tử hình có tên tiếng Anh là “death penalty” hay là “capital punishment”. Capital có nguồn gốc từ tiếng Latin là capitalis, trong đó có gốc của từ kaput, có nghĩa là đầu. “Capital punishment” có nghĩa là hình phạt mà khi áp dụng, người bị áp dụng sẽ bị mất đầu, tức là tước bỏ quyền sống của một người. Trong tiếng Pháp hình phạt này có tên  “peine de mort” hay còn gọi là “peine capitale”; trong tiếng Đức nó có tên gọi là “todesstrafe”. Trong Luật Hình sự Việt Nam, tử hình là loại hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đi quyền sống của người bị kết án và chỉ được áp dụng đối với người phạm tội có tính chất nguy hiểm đặc biệt cao cho xã hội. Hình phạt tử hình được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án quyết định. 
Hình phạt tử hình là một hiện tượng xã hội mang tính khách quan. Nó là phương tiện để bảo vệ mình của xã hội chống lại sự vi phạm các điều kiện tồn tại của nó. Tội phạm đe dọa sự tồn tại của xã hội nên xã hội phải phản ứng một cách tự nhiên là trừng trị người phạm tội. Là một loại hình phạt, nên hình phạt tử hình cũng như các hình phạt khác trong hệ thống hình phạt, có những đặc điểm chung, như: Là một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước; được quy định trong pháp luật hình sự; được Tòa án áp dụng theo một trình tự tố tụng chặt chẽ, công bằng đối với người bị kết án. Tuy nhiên, với tư cách là một hình phạt đặc biệt, hình phạt tử hình có những đặc điểm riêng, đó là: Thứ nhất, tử hình là một loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó tước đi quyền sống của người bị kết án, vì thế nó chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Thứ hai, hình phạt tử hình có mục đích phòng ngừa tái phạm tội mới một cách triệt để từ phía người bị kết án. Hình phạt này không có mục đích cải tạo, giáo dục người bị kết án, như vậy nó tước bỏ cơ hội tái hòa nhập và phục thiện của họ; Thứ ba, hình phạt tử hình đồng thời có khả năng đạt được nhiều hiệu quả cao trong phòng ngừa chung; Thứ tư, hình phạt tử hình có tính chất không thay đổi, nó tước đi khả năng khắc phục sai lầm trong hoạt động tư pháp. 
2. Những quy định về hình phạt tử hình từ khi pháp điển hóa Luật Hình sự Việt Nam lần thứ nhất (năm 1985) đến nay 
2.1. Hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1985 
Trong Bộ luật Hình sự này, điều kiện, phạm vi, đối tượng áp dụng hình phạt tử hình được quy định rõ tại Điều 27. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ được áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Không áp dụng hình phạt này với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Tử hình được hoãn thi hành đối với phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi. 
Trong Phần các tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 1985, hình phạt tử hình được quy định trong 29 điều luật, chiếm 14,89% trên tổng số 195 điều luật về tội phạm. Ngày 28/12/1989, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1985 đã quy định thêm 4 hành vi phạm tội về ma túy trong Điều 96a, có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Ngày 12/8/1991, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1985 đã quy định hình phạt tử hình đối với các tội: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 134); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng công dân (Điều 157); Tội nhận hối lộ (Điều 226). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1985 ngày 22/12/1992 đã quy định hình phạt tử hình đối với Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 97). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1985 ngày 10/5/1997 đã bổ sung thêm 06 điều luật quy định các tội: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 134a); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng công dân (Điều 185e); Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 185m) vào danh mục các tội phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình. Đồng thời, nhà làm luật cũng tách Điều 96a ra thành 4 điều luật mới (các điều 185b, 185c, 185d, 185đ) và giữ nguyên hình phạt tử hình đối với các tội này. Điều 112 quy định tội hiếp dâm cũng được tách ra thành hai tội: Tội hiếp dâm và Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112a) và cũng vẫn giữ nguyên hình phạt tử hình đối với các tội này. 
Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 1985, sau 4 lần sửa đổi, bổ sung đã quy định hình phạt tử hình trong 44 điều luật về tội phạm, chiếm tỷ lệ 20,37% trên tổng số 216 điều luật về tội phạm. 
2.2. Hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1999
Nếu như trong những lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1985, đường lối xử lý nghiêm khắc hơn đã được thể hiện bằng việc tăng cường hình phạt tử hình trong thực tiễn pháp luật, thì Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có sự mềm hóa (phi hình sự hóa), bằng việc quy định thu hẹp và xác định rõ ràng phạm vi và điều kiện áp dụng hình phạt này. Thể hiện cụ thể như sau: 
a. Phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999: 
Theo Điều 35 và Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định về hình phạt tử hình có những nội dung mới như sau: 
Thứ nhất, hình phạt tử hình được coi là một loại hình phạt đặc biệt chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, trong khi Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định áp dụng hình phạt này đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. 
Thứ hai, ngoài hai đối tượng đã được Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định không áp dụng hình phạt tử hình: Người chưa thành niên phạm tội và phụ nữ có thai khi phạm tội hoặc khi bị xét xử, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định bổ sung là không áp dụng hình phạt này đối với các đối tượng là phụ nữ đang nuôi con (bao gồm cả con nuôi) dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. 
Thứ ba, trong khi Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi chỉ được hoãn thi hành phạt tử hình, thì Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân. 
Thứ tư, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định không áp dụng hình phạt đối với người phạm tội trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Đối với người phạm tội chưa đạt, chỉ có thể áp dụng hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Bộ luật Hình sự năm 1985 không có quy định này. 
Thứ năm, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mới là trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. 
Thứ sáu, Bộ luật Hình sự năm 1999 bỏ quy định “chỉ trong trường hợp đặc biệt có luật quy định riêng hình phạt tử hình được thi hành ngay sau khi tuyên”.
b. Phần các tội phạm Bộ luật Hình sự năm 1999 
Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, hình phạt tử hình không còn được áp dụng đối với các tội phạm sau: Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 81), Tội chống phá trại giam (Điều 90), Tội trộm cắp tài sản (Điều 138), Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143), Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 154), Tội buôn bán hàng giả không phải là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 156 và 158), Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200), Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 230), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 280), Tội bỏ vị trí chiến đấu (Điều 324). 
2.3. Hình phạt tử hình theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 được Quốc hội khóa XII số 37/2009/QH12 thông qua ngày 19/6/2009 
Theo Luật này, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều quy định về hình phạt tử hình, cụ thể như sau: Bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm: Hiếp dâm (Điều 111), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139), Tội buôn lậu (Điều 153), Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180), Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197), Tội chiếm đoạt máy bay, tầu thủy (Điều 221), Tội đưa hối lộ (Điều 289), Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334). Đối với các tội phạm này hình phạt nghiêm khắc nhất được áp dụng là hình phạt tù chung thân. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999 bổ sung thêm tội khủng bố (Điều 230a) quy định hình phạt nặng nhất áp dụng với tội này là tử hình. 
Như vậy, hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi năm 2009) chỉ còn quy định ở 22 điều luật về tội phạm, chiếm tỷ lệ hơn 8% điều luật về tội phạm. 
3. Thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình
Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao trong 15 năm (trừ các năm 2003 và năm 2004 không có số liệu thống kê), tổng số bị cáo bị Tòa án các cấp xét xử sơ thẩm bị tuyên phạt tử hình là 2.600 bị cáo. 
Phân tích tình hình xét xử sơ thẩm áp dụng hình phạt tử hình trong 8 năm áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1985, từ năm 1993 đến năm 2001 cho thấy, Tòa án các cấp đã áp dụng hình phạt tử hình đối với 1.179 bị cáo. Số bị cáo bị tử hình có xu hướng tăng nhanh trong 8 năm, trong đó tăng mạnh nhất là từ năm 1997, kể từ khi áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1997. Nếu lấy tổng số bị cáo bị tử hình năm 1993 là 100%, thì số bị cáo bị tử hình năm 1997 là 170,5% và đến năm 2000 đã tăng lên đến 218,9%. Nguyên nhân của hiện tượng này: Thứ nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1997 đã bổ sung thêm 6 điều luật quy định hình phạt tử hình; Thứ hai, các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà điều luật về tội phạm đó có quy định hình phạt tử hình cũng tăng mạnh, đặc biệt là các tội phạm về ma túy, gây ra những hậu quả tác hại rất lớn cho lợi ích của Nhà nước, xã hội và công dân.
Phân tích tình hình xét xử sơ thẩm áp dụng hình phạt tử hình trong 8 năm áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999, từ năm 2001 đến năm 2010 cho thấy, Tòa án các cấp đã áp dụng hình phạt tử hình đối với 1.421 bị cáo. Trong tổng số 29 điều luật về tội phạm có quy định hình phạt tử hình, thì trong thực tiễn xét xử chỉ có 13 loại tội phạm được thực hiện mà bị cáo bị phạt tử hình, đó là các tội: Tội giết người, Tội hiếp dâm, Tội hiếp dâm trẻ em, Tội cướp tài sản, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, Tội buôn lậu, Tội buôn bán hàng giả, Tội làm, tàng trữ và lưu hành tiền giả, Tội làm, tàng trữ và lưu hành séc giả, Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, Tội sản xuất trái phép chất ma túy, Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.  
Trong đó các tội phạm giết người, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy, Tội hiếp dâm trẻ em là những loại tội phạm xảy ra nhiều và cũng là loại tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình nhiều nhất. Thống kê cho thấy, tổng số bị cáo phạm tội giết người bị tử hình là 789 bị cáo, chiếm 55,5% trên tổng số 1.421 bị cáo bị tử hình trong 8 năm (2001-2010); Tổng số bị cáo phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy là 569 bị cáo, chiếm 40,04%; Phạm tội hiếp dâm trẻ em có 25 bị cáo bị tử hình, chiếm 1,76%; Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có 16 bị cáo bị tử hình, chiếm 1,12%. Còn đối với các trường hợp phạm các tội phạm khác, hình phạt tử hình áp dụng rất hạn chế.
Nghiên cứu thực tiễn tình hình áp dụng hình phạt tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 cho thấy, trong 8 năm từ năm 2001 đến năm 2010, hình phạt từ hình được áp dụng trong các năm tăng giảm thất thường, nhưng nhìn chung vẫn còn cao và nếu so với những năm áp dụng hình phạt tử hình theo Bộ luật Hình sự năm 1985 thì có thể nói là tăng rất mạnh. Nhận định này được lý giải ở hai khía cạnh: Thứ nhất, ở thực tiễn pháp luật, Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định hình phạt tử hình ở 44 điều luật về tội phạm trong khi đó Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định hình phạt này ở 29 điều luật (đã xóa bỏ hình phạt tử hình trong 15 điều luật về tội phạm); Thứ hai, ở thực tiễn áp dụng, mặc dù hình phạt tử hình được xóa bỏ đối với nhiều tội phạm như vậy, nhưng theo thống kê xét xử cho thấy, 8 năm (1993-2000) áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1985 có tổng số 1.179 bị cáo bị áp dụng hình phạt tử hình (100%) thì hình phạt này được các Tòa án sơ thẩm tuyên đối với các bị cáo trong 8 năm (2001-2010) áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 là 1.421 bị cáo chiếm 120,5%. Điều này có thể lý giải ở thực trạng tội phạm trong các năm qua diễn biến phức tạp, các loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, có tổ chức, xuyên quốc gia có chiều hướng tăng mạnh… Vì vậy, cần phải áp dụng chính sách xử lý cứng rắn, trừng trị nghiêm khắc với các loại tội phạm này, không loại trừ cả việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất là loại bỏ người phạm tội vĩnh viễn khỏi xã hội.
Tóm lại, trên cơ sở phân tích tình hình áp dụng hình phạt tử hình trong 16 năm từ năm 1993 đến năm 2010 có thể rút ra một số nhận định sau:
- Nhìn chung, hình phạt tử hình được áp dụng có xu hướng tăng mạnh, nhất là kể từ khi áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999;
- Hình phạt tử hình áp dụng chủ yếu đối với các tội phạm giết người, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các chất ma túy; hiếp dâm trẻ em, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
- Đối với những tội phạm mặc dù hàng năm bị áp dụng hình phạt tử hình nhiều nhất, nhưng tình hình tội phạm đó trong thực tiễn vẫn có xu hướng tăng nhanh...  
- Phân tích số liệu các tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình từ năm 1993 đến 2010 với danh mục các điều luật về tội phạm có quy định hình phạt tử hình, cho thấy, những trường hợp phạm các tội sau đây trong thực tiễn không bị áp dụng hình phạt tử hình: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Tội phản bội tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội bạo loạn; Tội hoạt động phỉ; Tội phá hoại cơ sở vật chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; Tội chống mệnh lệnh; Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; các tội phạm quốc tế. 
Thực tiễn xét xử hình sự là một phần của cấu trúc chung của pháp luật hình sự, vì nó là sự thể hiện các quy định của pháp luật hình sự trong thực tiễn hay nói cách khác, thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự là hình thức sống của quy phạm pháp luật hình sự. Tính hợp lý và hiệu quả của quy phạm pháp luật hình sự (trong đó có cả hình phạt) được kiểm chứng và đánh giá qua thực tiễn xét xử. Các yếu tố thuộc về xây dựng hệ thống hình phạt nói chung và hình phạt tử hình nói riêng chỉ có nghĩa thực tiễn khi hình phạt được quyết định đúng và bảo đảm tốt việc chấp hành hình phạt. Chính vì thế, thực tiễn xét xử áp dụng hình phạt tử hình nêu trên là cơ sở đánh giá một cách toàn diện những ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế của các quy định về hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự để từ đó đề xuất những kiến nghị khả thi nhằm hoàn thiện chế định này. 

Nhận xét